Dịch vụ pháp lý, tranh tụng và sở hữu trí tuệ chuyên nghiệp

Dịch vụ thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một phần nổi bật trong dịch vụ pháp lý doanh nghiệp, đầu tư của HT Partners Law & IP của chúng tôi. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin pháp lý liên quan đến dịch vụ thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

I. Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là gì?

Khoản 6 Điều 3 Luật Đầu tư 2005 định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.

Nhưng trong Luật Đầu tư 2020 thì không có quy định về khái niệm của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thay vào đó là khái niệm tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: “Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.

Như vậy, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là một trong những loại hình của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Xem thêm: Những lưu ý trước khi thành lập doanh nghiệp

II. Các hình thức thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Tại Điều 24 Luật Đầu tư 2020, quy định có 05 hình thức thành lập công ty có vốn đầu tư đầu tư tại Việt Nam gồm:

1. “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.

2. Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.

3. Thực hiện dự án đầu tư.

4. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.

5. Các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.”

Như vậy, để thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài thì các nhà đầu tư sẽ thực hiện theo một trong hai hình thức là đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của công ty Việt Nam hoặc đầu tư thành lập tổ chức kinh tế có vốn nước ngoài:

- Hình thức góp vốn ngay từ đầu để thành lập doanh nghiệp mới: Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn kể từ khi bắt đầu thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam. Theo đó, tỷ lệ góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài có thể từ 1% - 100% vốn điều lệ tuỳ vào lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.

Hình thức mua cổ phần hoặc mua phần vốn góp trong doanh nghiệp: Với hình thức này, nhà đầu tư nước ngoài sẽ góp vốn vào doanh nghiệp Việt Nam. Tuỳ từng lĩnh vực, nhà đầu tư có thể góp vốn từ 1% - 100% vào doanh nghiệp Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua phần vốn góp hoặc cổ phần, sau đó doanh nghiệp Việt Nam sẽ trở thành doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

III. Điều kiện thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài

Để được đầu tư kinh doanh vào Việt Nam một cách hợp pháp, nhà đầu tư nước ngoài không chỉ cần phải đáp ứng những điều kiện chung khi thành lập doanh nghiệp mà còn phải đảm bảo đạt được những điều kiện riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể:

1. Điều kiện đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn từ đầu thành lập công ty

Theo quy định tại Điều 22 Luật Đầu tư 2020, công ty/doanh nghiệp được thành lập bởi nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được quy định tại Điều 9 của bộ luật này. Nghĩa là nhà đầu tư nước ngoài chỉ được phép tham gia một số ngành, nghề được nhà nước cho phép đầu tư và không được tham gia những ngành, nghề bị cấm;

Để chuẩn bị cho việc thành lập công ty, nhà đầu tư nước ngoài cần có: dự án đầu tư; làm thủ tục xin cấp hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

2. Điều kiện đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài mua vốn góp, mua cổ phần

Theo quy định tại Điều 24, Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện sau:

- Đáp ứng điều kiện về việc tiếp cận thị trường theo quy định của Luật Đầu tư;
- Phải bảo đảm quốc phòng, an ninh;
- Tuân thủ quy định của luật đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.

3. Điều kiện về chủ thể và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài

Chủ thể đầu tư nước ngoài có thể là cá nhân trên 18 tuổi, tổ chức, doanh nghiệp mang quốc tịch của thành viên WTO hoặc có ký điều ước song phương liên quan đến đầu tư với Việt Nam. Tuy nhiên, một số ngành nghề mà chỉ nhà đầu tư nước ngoài là pháp
nhân mới được phép đầu tư tại Việt Nam.

Hiện nay, pháp luật không quy định về quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài, tức là bất kỳ quốc gia nào cũng có thể đầu tư vào Việt Nam miễn là tuân thủ các quy định pháp luật và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

4. Điều kiện về năng lực tài chính của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài phải có đủ năng lực tài chính để đầu tư và cần chứng minh được năng lực tài chính đầu tư tại Việt Nam tùy theo ngành nghề đã chọn. Tuy nhiên, các yêu cầu tài chính cụ thể có thể khác nhau tùy thuộc vào các quy định và chính sách cụ thể của chính phủ Việt Nam. Các nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành thẩm định và làm quen với các luật và quy định liên quan điều chỉnh lĩnh vực họ đã chọn để đảm bảo họ đáp ứng tất cả các yêu cầu tài chính cần thiết trước khi tiến hành đầu tư.

5. Điều kiện về trụ sở công ty dự định đăng ký và địa điểm thực hiện dự án

Nhà đầu tư nước ngoài phải có địa điểm thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam được thể hiện thông qua hợp đồng thuê địa điểm, hợp đồng thuê nhà, thuê đất, và giấy tờ nhà đất hợp pháp của bên cho thuê để làm trụ sở công ty và địa điểm thực hiện dự án.

6. Điều kiện về năng lực kinh nghiệm và các điều kiện đặc thù theo lĩnh vực đầu tư

Cuối cùng, nhà đầu tư nước ngoài cần đáp ứng các điều kiện cụ thể đối với các ngành nghề kinh doanh có điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài.

IV. Thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư góp vốn ngay từ đầu

Đối với trường hợp thực hiện thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo dạng góp vốn ngày từ đầu thì sẽ thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư gồm:

  • Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư;
  • Tài liệu chứng minh tư cách pháp lý:
    • Đối với nhà đầu tư tổ chức: yêu cầu cung cấp bản sao của Giấy chứng nhận thành lập hoặc văn bản pháp lý khác tương đương để xác minh tư cách pháp lý.
    • Đối với nhà đầu tư cá nhân: cần bản sao của Chứng minh nhân dân/Thẻ căn cước công dân hoặc Hộ chiếu
  • Đề xuất dự án đầu tư bao gồm: thông tin nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, vốn đầu tư, quy mô đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ đầu tư, nhu cầu lao động, đánh giá tác động hiệu quả kinh tế – xã hội của dự án, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư;
  • Văn bản chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư:
    • Đối nhà đầu tư với tổ chức: Báo cáo tài chính 02 năm gần nhất/Cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ /Cam kết tài chính của tổ chức tài chính/ Bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư/ Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư.
    • Đối nhà đầu tư với cá nhân: Giấy tờ xác nhận số dư tài khoản/Sổ tiết kiệm, ..
  • Hợp đồng thuê nhà (trụ sở), Giấy tờ chứng minh quyền cho thuê của bên cho thuê (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy phép xây dựng, Giấy chứng minh có chức năng kinh doanh bất động sản bên cho thuê, các giấy tờ khác tương đương).
  • Đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu dự án không nhận đất/thuế đất từ nhà nước/cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì thay thế bằng bảo sao thỏa thuận thuê địa điểm hoặc tài liệu liên quan xác nhận nhà đầu tư có quyền sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án đầu tư);
  • Giải trình về việc sử dụng công nghệ (trường hợp dự án có sử dụng công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao theo quy định của pháp luật): tên công nghệ, sơ đồ quy trình, xuất xứ, thông số kỹ thuật chính, thiết bị và dây chuyền công nghệ chính, tình trạng sử dụng máy móc;
  • Hợp đồng hợp tác kinh doanh BBC (dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC).

Bước 2: Nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án không thuộc diện quyết định chủ trương đầu tư, nhà đầu tư phải tiến hành kê khai các thông tin về dự án đầu tư trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trong vòng 15 ngày kể từ ngày kê khai hồ sơ trực tuyến, nhà đầu tư nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trực tiếp đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính đối với các ngành nghề theo quy định tại Luật Đầu tư.

Bước 3: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư

Thời gian xử lý cho dự án đầu tư phụ thuộc vào loại dự án và quy trình xử lý của cơ quan chức năng. Cụ thể:
- Dự án đầu tư trực tiếp từ trung ương có thời gian xử lý là 15-20 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đầy đủ.
- Dự án đầu tư theo quyết định đầu tư, thời gian xử lý là 5-10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đầu tư.

Bước 4: Chuẩn bị và nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi công ty vốn đầu tư nước ngoài đã nhận được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Sở Kế hoạch và đầu tư cấp Tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;

  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên hoặc cổ đông;
  • Bản sao các giấy tờ: CMND/CCCD/Hộ chiếu hoặc tài liệu chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với cá nhân;
  • Quyết định thành lập, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương khác của tổ chức và văn bản ủy quyền; Bản sao giấy tờ chứng thực cá nhân hợp pháp của người đại diện đối với trường hợp là tổ chức;
  • Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì cần bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc tài liệu tương đương phải được hợp pháp hóa lãnh sự;
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đã được cấp.

Thời gian xử lý: Từ 05 đến 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Bước 5: Công bố thông tin đăng ký doanh nghiệp

Sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì nhà đầu tư cần thông báo công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tiến hành nộp phí theo quy định của pháp luật. Nội dung công bố các nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

  • Thông tin về ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp,
  • Danh sách cổ đông sáng lập, và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có).

Việc đề nghị công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp và nộp phí công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp phải được thực hiện tại thời điểm doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp.

Bước 6: Khắc dấu công ty

Bước 7: Cấp Giấy phép kinh doanh hoặc giấy phép đủ điều kiện hoạt động

Đối với một số ngành nghề có điều kiện, doanh nghiệp còn phải xin thêm các giấy phép liên quan khác thì mới được phép hoạt động. Ví dụ trong trường hợp doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ hàng hóa hoặc lập cơ sở bán lẻ hàng hóa sẽ cần xin cấp Giấy phép kinh doanh.

Bước 8: Mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

Sau khi thực hiện các bước trên, công ty có vốn nước ngoài phải mở một tài khoản vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài bằng ngoại tệ tại một ngân hàng được phép thực hiện các giao dịch thu chi hợp pháp bằng ngoại tệ tại Việt Nam.

Bước 9: Thực hiện các thủ tục sau thành lập công ty

Sau khi hoàn thiện các bước trên, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục tương tự như công ty Việt Nam bao gồm: Treo biển tên tại trụ sở; Đăng ký chữ ký số; Đề nghị phát hành hóa đơn điện tử; Báo cáo tình hình thực hiện dự án theo quy định tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; Kê khai nộp thuế …

V. Thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo dạng góp vốn, mua cổ phần

Trường hợp doanh nghiệp thực hiện thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài theo dạng góp vốn, mua cổ phần thì thủ tục sẽ đơn giản hơn:

Bước 1: Thành lập hoặc sẵn có công ty Việt Nam

Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được quyền tham gia đầu tư, mua cổ phần trong một doanh nghiệp Việt Nam sau khi đã có sẵn doanh nghiệp tại Việt Nam. Nếu chưa hoàn tất các thủ tục lập doanh nghiệp, đối tác Việt Nam cần thiết lập công ty mới với toàn bộ vốn đầu tư từ Việt Nam.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký mua phần vốn góp, cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài

Nhà đầu tư nước ngoài chuẩn bị hồ sơ như sau:

  • Hồ sơ đăng ký đầu tư góp vốn hoặc mua cổ phần bao gồm thông tin chi tiết về doanh nghiệp mà nhà đầu tư quốc tế dự định góp vốn hoặc mua cổ phần. Hồ sơ phải nêu rõ tỷ lệ vốn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài sau khi thực hiện góp vốn hoặc mua cổ phần, phần vốn góp;
  • Đối với nhà đầu tư cá nhân, hồ sơ cần có bản sao các giấy tờ pháp lý cá nhân; đối với nhà đầu tư tổ chức, cần bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc tài liệu pháp lý khác;
  • Văn bản thỏa thuận về việc góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp giữa nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế nhận góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp.
  •  Văn bản kê khai (kèm theo bản sao) Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế nhận góp vốn/mua cổ phần/mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài.

Bước 3: Nộp hồ sơ

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, nhà đầu tư nước ngoài nộp hồ sơ tại Phòng đăng ký đầu tư, Sở KH & ĐT cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ phát hành Thông báo xác nhận việc thỏa mãn các điều kiện cần thiết để thực hiện góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp vào công ty tại Việt Nam.

Bước 4: Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện mua cổ phần, góp vốn, mua phần vốn góp của doanh nghiệp Việt Nam

Trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài góp vốn trên 51% vốn điều lệ thì công ty Việt Nam sẽ thực hiện mở tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Sau đó, nhà đầu tư sẽ thực hiện chuyển số vốn góp thông qua tài khoản vốn đầu tư trực tiếp. Bên cạnh đó, các thành viên và cổ đông đã chuyển nhượng vốn cần thực hiện kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp (nếu áp dụng) đúng như pháp luật đã quy định.

Bước 5: Thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Sau khi quá trình góp vốn, mua cổ phần hoặc phần vốn góp được hoàn thành, công ty cần tiến hành các thủ tục cần thiết để thay đổi đăng ký kinh doanh. Điều này đòi hỏi việc cập nhật thông tin liên quan đến việc góp vốn và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hồ sơ đăng ký kinh doanh tại cơ quan có thẩm quyền. Các giấy tờ cần chuẩn bị bao gồm:

  • Thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh;
  • Quyết định về việc thay đổi của công ty (nếu có);
  • Biên bản cuộc họp của Đại hội đồng cổ đông hoặc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn về các nội dung liên quan đến thay đổi (nếu có);
  • Hợp đồng chuyển nhượng và các giấy tờ chứng thực đã hoàn tất việc chuyển nhượng có xác nhận của đại diện pháp luật của công ty;
  • Danh sách thành viên góp vốn/Danh sách cổ đông là người nước ngoài;
  • Bản sao công chứng hộ chiếu/ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của nhà đầu tư.
  • Quy trình thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh phải được tiến hành tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính của công ty.

Bước 6: Cấp Giấy phép kinh doanh hoặc Giấy phép đủ điều kiện hoạt động

Đối với một số ngành nghề có điều kiện, việc cần thiết thêm các giấy phép khác là điều cần thiết để doanh nghiệp được phép thực hiện hoạt động.

Trên đây là thông tin chi tiết về thủ tục thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Hy vọng bài viết này sẽ cung cấp nhiều thông tin hữu ích cho các nhà đầu tư.

Mọi vấn đề thắc mắc đến bài viết hay các vấn đề pháp lý khác, quý khách hãy liên lạc với chúng tôi qua thông tin dưới đây để nhận hỗ trợ.

Xem thêm: Luật sư nội bộ cho doanh nghiệp

--------------------------------

HT PARTNERS LAW & IP

Điện thoại: 0931 152 492 – 0866 957 247

Email: tuvan.htpartners@gmail.com

Website: htpartners.asia

Văn phòng Tp.HCM: 133/20/4 Bình Thành, Phường Bình Hưng Hòa B, Quận Bình Tân, Tp. Hồ Chí Minh

Văn phòng Bình Thuận: G24 Trương Gia Hội, Thành phố Phan Thiết, Tỉnh Bình Thuận.

Logo

ĐĂNG KÝ TƯ VẤN